A+ A A-   
  26/11/2019 15:41        

Những thầy cô giáo của bản làng Khánh Vĩnh

Ngày nhà Giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, là dịp những thầy cô giáo của bản làng Khánh Vĩnh có nhiều cảm xúc nhất. Những bó hoa tươi thắm kèm lời chúc ngọt ngào của học trò, đồng nghiệp, người thân đã giúp họ cảm thấy yêu nghề, yêu đời và hạnh phúc hơn. Từ đó, tạo động lực để các thầy cô giáo gắn bó, cống hiến và hi sinh nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, và đó cũng là món quà vô giá mà thầy cô giáo ở nơi đây cảm thấy hạnh phúc nhất.

Những ngày này, so với vùng đồng bằng thì thầy cô giáo ở các xã còn khó khăn của huyện miền núi Khánh Vĩnh là họ không nhận được nhiều lời chúc, nhiều hoa dành tặng, nhưng ai ai cũng đều cảm thấy hạnh phúc, đồng cảm vì họ biết các em còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc các em chịu khó đến trường học hành đã như là món quà vô giá đối với các thầy cô giáo. Để được “gieo con chữ” ở vùng miền núi khó khăn này, nhiều giáo viên đã kiên trì bám trường, bám lớp gieo ước mơ cho học sinh bằng nhiều việc làm cụ thể như: tích cực đến từng nhà vận động các em đến trường, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều vật dụng như sách vở, quần áo, xe đạp cho các em đến lớp… Những tấm gương về các nhà giáo gắn bó bằng tâm huyết của mình cho sự nghiệp giáo dục ở vùng miền núi này nhiều vô kể, nhưng tôi chỉ xin nhắc đến hai tấm gương thầy cô giáo điển hình mà tôi được biết, vì thấy thật trân trọng và quý mến những việc làm của họ để giúp các em học sinh nghèo nơi đây.

Đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện là thầy Nguyễn Xuân Hùng, giáo viên Tổng phụ trách đội trường Tiểu học xã Khánh Trung. Năn nỉ lắm thầy mới kể cho tôi nghe, về những việc làm nhân ái của mình dành tặng cho học sinh nơi đây; thầy kể những ngày đầu bước chân vào giảng dạy ở trường vào năm 2010, thấy hoàn cảnh các em học sinh ở đây còn nhiều khó khăn, nhất là học sinh dân tộc thiểu số nghèo, nhiều em đến trường trong những bộ quần áo cũ rách, đầu tóc dài nham nhở. Thấy thương bọn trẻ lắm, thầy đã nhiều lần kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, khi thì những bộ quần áo, mì tôm, hay những chiếc cặp cũ để động viên các em đến trường. Để các em có đầu tóc gọn gàng, thầy đã bỏ tiền ra mua máy tăng đơ và tự mình đứng ra cắt tóc cho các em. Việc làm này tuy nhỏ nhưng giúp các em thấy vui hơn khi đến lớp, nhiều người dân nơi đây vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho thầy, bởi nhiều gia đình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thì việc làm của thầy như ngọn lửa động viên cho các em đến lớp.

Đối với nhiều người dân nơi đây, hình ảnh những giáo viên lội suối, băng rừng, vượt bộ để đến các gia đình; lên nương, rẫy để động viên họ đưa các em đến lớp, đến trường là việc làm thường xuyên, là những hình ảnh đẹp về sự hy sinh của nghề giáo. Nhiều giáo viên đã lên huyện miền núi Khánh Vĩnh công tác từ những năm đầu giải phóng, kinh tế và các điều kiện xã hội còn khó khăn, đường xá đi lại không thuận tiện thì họ càng nhớ mãi nhiều kỷ niệm đẹp tận tụy với nghề; họ nghĩ mình không chỉ đơn thuần là người “gieo con chữ” mà còn làm thay những việc của bố mẹ, hay y tá, bác sĩ khi giúp các em đến trường và trong những lúc bệnh tật ốm đau.

Người thứ hai tìm gặp là cô giáo Hoàng Thị Ánh Đào, giáo viên trường Tiểu học Khánh Trung, một nhà giáo đã thường xuyên quan tâm đến các em học sinh dân tộc nghèo nơi đây. Nói về công tác dạy học sinh vùng đặc biệt khó khăn, cô kể: Do học sinh là người dân tộc thiểu số nên điều kiện học tập còn khó khăn. Nhiều em, đi học quanh năm chỉ thấy mang mỗi một bộ quần áo. Đến mùa nương rẫy, các em bỏ học theo bố mẹ lên nương, thấy tội lắm nên mình đã cùng với các thầy cô giáo đến từng nhà vận động, chở các em đi học, em nào không có quần áo để đi học thì mình làm nhiều cách để kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Khi thì ủng hộ mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm, áo quần; nhiều em thấy phấn khởi lắm khi được ăn sáng, mặc  ấm đến trường; chính vì thế các em đã không còn e ngại và tích cực đến lớp đều đặn hơn. Đến bây giờ khi chúng tôi hỏi, cô có nhớ đã bao lần cô đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho các em không? Cô cười bảo: “Làm sao nhớ hết được chứ, nhiều quá, chỉ nhớ là đã 8 năm chị làm công tác vận động này rồi. Nhớ nhất là hình ảnh các em vui lắm khi được nhận quà thôi”. Còn rất nhiều câu chuyện xúc động về các thầy cô đang ngày đêm gắn bó với các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa ở miền núi Khánh Vĩnh. Sự hy sinh thầm lặng của các thầy, các cô đã giúp cho các em học sinh có thêm niềm mơ ước được tiến xa hơn trong tương lai sau này. Những ai đã từng lên Khánh Vĩnh và trải qua những ngày công tác cùng các thầy, cô giáo nơi đây ngay từ những ngày đầu mới thấu hiểu hết tấm lòng nhiệt huyết của các thầy cô đối với học sinh thân yêu.

Những hi sinh của các thầy cô giáo nơi đây về công tác gieo kiến thức, ngày nào đó sẽ giúp cho tương lai cuộc sống của các em ở đây xua đi được cái nghèo khó để ổn định cuộc sống hơn. Tôi tin rằng, bằng sự cống hiến nhiệt huyết của các thầy cô giáo sẽ góp phần đưa nền giáo dục Khánh Vĩnh tốt hơn trong những năm tới.

Không khí rộn ràng chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay, tôi đã nghe nhiều lời ca, câu hát tôn vinh ca ngợi nghề giáo, xin mượn lời thơ của tác giả Đinh Văn Nhã để kết thúc bài viết “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay, người ta bảo là nghề trong sạch nhất, có một nghề không trồng cây vào đất, lại nở cho đời những đóa hoa thơm..."

Thầy Nguyễn Xuân Hùng - Giáo viên Tổng phụ trách đội trường Tiểu học xã Khánh Trung đang miệt mài cắt tóc cho các em học sinh

Cô Hoàng Thị Ánh Đào - Giáo viên trường Tiểu học xã Khánh Trung đang đi phát quà cho các em học sinh

Thế Tài

 
Tuyển dụng công chức, viên chức, lao động
Giới thiệu
Thủ tục hành chínhTin nổi bật
Tổ chức hành chính
Tin tức sự kiện
Chỉ đạo điều hành
Cải cách hành chính
Thông tin tuyên truyền
Quy hoạch - Chiến lược - Kế hoạch dài hạn
Dịch vụ công trực tuyến
Dự án - Hạng mục đầu tư
Chương trình - Đề tài nghiên cứu khoa học
Hệ thống QLCL TCVN ISO Công bố, công khai danh mục TTHCCông bố, công khai quy trình nội bộSức khỏe - Y tếCông nghệ thông tinBảo hiểm xã hộiChứng thư số
Công khai
Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTTĐấu tranh chống diễn biến hòa bình Đường dây nóngHoạt động thanh tra Học tập tấm gương đạo đức HCMKho bạc nhà nước Khánh Vĩnh
Chuyển đổi số
Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏDỰ THẢO LẤY Ý KIẾN GÓP ÝLỊCH TIẾP CÔNG DÂNTuyên truyền
Thống kê - Báo cáo

Liên kết banner

Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập: 148.568
Số người trực tuyến
   Hiện có: 5   Khách