A+ A A-   
  03/04/2023 00:00        

Một số kết quả đạt được qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ở huyện Khánh Vĩnh

Trong những năm qua, việc xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật luôn là nội dung quan trọng được Đảng ta quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành nhiều Nghị quyết mang tính chất bản lề, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của BCH Trung ương Đảng khóa VIII đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm và nhiệm vụ này được thể hiện rõ nét hơn khi Đảng ta ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, từ đó đã tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước và hội nhập quốc tế: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

Huyện Khánh Vĩnh, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Trong những năm gần đây, cùng với sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, lĩnh vực văn học, nghệ thuật Khánh Vĩnh đã có những bước chuyển mình khá quan trọng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo lưu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Để cụ thể hóa Nghị quyết 23-NQ/TW, Huyện ủy Khánh Vĩnh đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phục vụ và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong phát triển văn học, nghệ thuật cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc…

Trên tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy,  các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các đề án, kế hoạch, giải pháp để tổ chức thực hiện. Về mặt chính quyền, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị chức năng rà soát, bổ sung và cụ thể hóa một số biện pháp nhằm khuyến khích  các hoạt động văn học, nghệ thuật; đề xuất những giải pháp cụ thể để động viên đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phục vụ các ngày lễ, tết và các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, diễn viên tham gia các hoạt động giao lưu, đi thực tế sáng tác, giới thiệu, công bố, quảng bá tác phẩm. Đồng thời, từng bước hoàn thiện và phát triển có hiệu quả hoạt động của Thư viện huyện, các đội nghệ thuật trong huyện; mở rộng mạng lưới thông tin tuyên truyền; đưa các chương trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vào các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa ở các địa phương; gắn kết việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện trong xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, trong đó đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc trên địa bàn huyện…

Kết quả, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đời sống văn hóa tinh thần nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều sự khởi sắc. Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, phóng viên và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật được nâng lên. Các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, cơ bản đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Phong trào văn nghệ quần chúng được khuyến khích phát triển, chú trọng khai thác, truyền bá, phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc Raglai, Ê đê, Tày, Nùng… Nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc như đàn đá, cồng, chiêng, đàn chapi, đinh năm… được gìn giữ và bảo lưu.

 

Các hoạt động văn nghệ quần chúng ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Nhiều câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ với các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian mang đặc trưng của địa phương được hình thành và đóng góp vai trò ngày càng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Hiện nay, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện được duy trì, tổ chức 02 năm một lần, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân tham gia. Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn có đội văn nghệ quần chúng, hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Các hội thi, hội diễn tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị được các ngành, các địa phương quan tâm tổ chức. Các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian được chú trọng khôi phục trong các hoạt động nghệ thuật quần chúng; các lễ hội, nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và nhân văn của đồng bào các dân tộc như: lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới, mừng nhà mới của người Raglai; lễ cúng bến nước của người Êđê; lễ hội tung còn của dân tộc Tày… và những tiết mục hát, múa đặc trưng như: hòa tấu cồng chiêng, mã la; độc tấu nhạc cụ đinh năm, đinh chót, hát Arai của dân tộc Êđê; tấu nhạc cụ Salakhen, hát Ma Diêng, múa cong tua của dân tộc Raglai; hát làn điệu xú ri của dân tộc T’rin, hát then của dân tộc Tày… được duy trì tổ chức hàng năm ở các địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Các thiết chế văn hóa cũng được huyện Khánh Vĩnh quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng và nâng cấp, phục vụ khá đắc lực trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại cơ sở. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và du lịch huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách mới, báo mới nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương; tổ chức luân chuyển sách, báo và tạp chí các loại cho các trường học và tủ sách ở nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn, góp phần tạo ra phong trào đọc sách, tìm hiểu văn học nghệ thuật trong cán bộ, công chức và Nhân dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng luôn quan tâm và phát huy vai trò của Đội tuyên truyền lưu động trong việc xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bình quân hàng năm, Đội tuyên truyền lưu động huyện tổ chức trên 40 đêm biểu diễn văn hóa, văn nghệ và thông tin tuyên truyền phục vụ bà con nhân dân ở các địa phương trên địa bàn huyện. Góp phần tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân, cỗ vũ, động viên Nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cũng như thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa, văn nghệ giữa miền núi và đồng bằng.

Công tác quảng bá, giao lưu văn hoá, nghệ thuật cũng được đẩy mạnh thực hiện thông qua các hoạt động tham gia văn nghệ cấp tỉnh hàng năm như: Hội diễn Nghệ thuật quần chúng; Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam 19/4; Liên hoan Chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ; Hội diễn “Tiếng hát từ trái tim”… Hàng năm, thực hiện tổ chức từ 01 đến 02 chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật giữa huyện với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, mang bản sắc văn hóa của từng vùng miền, dân tộc đến với đông đảo Nhân dân.

Về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, văn nghệ sĩ, trong những năm gần đây, đội ngũ phóng viên, những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và văn nghệ trên địa bàn huyện có nâng lên về số lượng, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên cung cấp tin, bài cho đài truyền thanh huyện, Trang thông tin điện tử của huyện, xã. Tuy nhiên, đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ cộng tác viên còn rất hạn chế cả về số lượng và khả năng sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật. Phần lớn các cộng tác viên chủ yếu viết các tin, bài mang tính thông tin về các hoạt động sự kiện diễn ra trên địa bàn huyện, chưa có nhiều bài viết mang tính chuyên sâu. Riêng đối với đội ngũ nghệ nhân là người dân tộc thiểu số biết sử dụng nhạc cụ, hoạt động nghệ thuật về hát dân ca dân gian, múa dân vũ, hiện nay trên toàn huyện còn khoảng 30 người. Trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, huyện cũng thường xuyên cử cán bộ lãnh đạo, cán bộ thuộc diện quy hoạch, công chức văn hóa tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trại sáng tác... do cấp trên tổ chức; chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức, mạng lưới cộng tác viên, nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận theo hướng trẻ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ của huyện…

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, thời gian tới huyện Khánh Vĩnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76- KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp về vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển của huyện. Quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ huyện đến cơ sở, nhất là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để có đủ năng lực và chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật. Xây dựng kế hoạch hoạt động liên kết phối hợp với từng ngành, đơn vị, địa phương, nhằm huy động ngày càng đông đảo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn học, nghệ thuật, làm cho văn học, nghệ thuật ngày càng lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội. Triển khai công tác lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu “nghệ nhân ưu tú”, “nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện…

                       Nguyễn Hoàng My

 
Tuyển dụng công chức, viên chức, lao động
Giới thiệu
Thủ tục hành chínhTin nổi bật
Tổ chức hành chính
Thông tin hoạt động
Tin tức sự kiện
Chỉ đạo điều hành
Cải cách hành chính
Thông tin tuyên truyền
Quy hoạch - Chiến lược - Kế hoạch dài hạn
Dịch vụ công trực tuyến
Dự án - Hạng mục đầu tư
Chương trình - Đề tài nghiên cứu khoa học
Hệ thống QLCL TCVN ISO Công bố, công khai danh mục TTHCCông bố, công khai quy trình nội bộSức khỏe - Y tếCông nghệ thông tinBảo hiểm xã hộiChứng thư số
Công khai
Đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTTĐấu tranh chống diễn biến hòa bình Đường dây nóngHoạt động thanh tra Học tập tấm gương đạo đức HCMKho bạc nhà nước Khánh Vĩnh
Chuyển đổi số
Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏDỰ THẢO LẤY Ý KIẾN GÓP ÝLỊCH TIẾP CÔNG DÂNTuyên truyền
Thống kê - Báo cáo

Liên kết banner

Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập: 164.135
Số người trực tuyến
   Hiện có: 16   Khách